Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Câu chuyện tỷ USD phía sau quý có lãi đầu tiên trong 14 năm của công ty mẹ Shopee

Công ty mẹ Shopee đang cho thấy họ không còn phụ thuộc quá nhiều vào việc đốt tiền cho quảng cáo tiếp thị để sống sót.

Tờ Techinasia mở đầu bài viết nhận định, tuần trước, gã khổng lồ công nghệ Sea đã khiến thị trường ngạc nhiên khi báo cáo kết quả quý 4 năm 2022 “rất tốt”, thể hiện một “sự thay đổi vững chắc”.

Cả ba mảng kinh doanh của Sea gồm công ty giải trí kỹ thuật số Garena, nền tảng thương mại điện tử Shopee và dịch vụ fintech Sea Money đều lần đầu tiên đạt được EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) tích cực.

Ngoài ra, Sea cũng tạo ra lợi nhuận dương ở mức 423 triệu USD, đảo chiều hoàn toàn so với mức lỗ trung bình 434 triệu USD mà các nhà phân tích dự đoán.

Kết quả là, các nhà đầu tư đã giúp cổ phiếu Sea tăng 22% trong phiên giao dịch ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh.

Trong quý trước, Sea đã báo cáo lãi ròng là -569 triệu USD. Điều này có nghĩa là chỉ trong giai đoạn quý 3 và quý 4, lợi nhuận của công ty đã được cải thiện gần một tỷ USD - chính xác là 992 triệu USD.

Điều gì đã góp phần vào kết quả xuất sắc này?

Dựa trên sự khác biệt giữa kết quả quý 3 và quý 4, tờ Techinasia đã phân tích từng lĩnh vực theo biểu đồ dưới đây:

Theo thứ tự, những yếu tố đóng góp lớn nhất cho việc mở rộng lợi nhuận của Sea là: Chi phí bán hàng và tiếp thị, doanh thu, chi phí chung và quản lý (G&A), chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như giá vốn hàng hóa và dịch vụ đã bán.

Thành công của Sea trong việc tạo ra lợi nhuận ròng rõ ràng không chỉ đến từ việc cắt giảm chi tiêu bán hàng và tiếp thị, mặc dù điều đó chính là nhân tố số 1.

Điều quan trọng, kết quả mới nhất chứng minh rằng sự tăng trưởng của Sea không phụ thuộc vào chi phí tiếp thị và bán hàng ngày càng tăng, chỉ ra một mô hình kinh doanh lâu dài bền vững.

Như ban lãnh đạo công ty đã nhấn mạnh trong phiên hỏi đáp trong buổi họp, Shopee đã tăng doanh thu trong quý lên 32% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù chi phí bán hàng và tiếp thị giảm hơn 50%.

Trong khi số liệu Tổng giá trị giao dịch hàng hóa của quý 4 không khả quan thì Shopee lại tăng mức phí dịch vụ từ 7,1% lên 10%, cộng thêm việc tính phí người bán cho các dịch vụ giá trị gia tăng như quảng cáo.

Lợi nhuận ròng của Sea thậm chí còn cao hơn nếu không có một vài khoản mục chi phí khá cao trong Q4 như tăng dự phòng rủi ro tín dụng 175 triệu USD và tổn thất lợi thế thương mại 178 triệu USD, được cho là do quyết định đóng cửa một số dự định đầu tư lịch sử được thực hiện bởi Garena.

Forrest Li, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Sea, cho biết khi công ty muốn tập trung vào tăng trưởng bền vững, cách tiếp cận của họ sẽ là “làm ít hơn nhưng làm tốt hơn”.

Điều đó liên quan đến việc sa thải hơn 7.000 nhân viên hoặc 10% tổng lực lượng lao động của công ty và rời khỏi nhiều thị trường ở châu Âu và châu Mỹ Latinh.

Việc thu hẹp quy mô này đã giúp cắt giảm chi phí G&A và R&D. Nhìn vào năm 2023, giám đốc công ty Yanjun Wang nói với các nhà phân tích rằng Sea muốn đảm bảo những chi phí đó “hiệu quả so với quy mô của nền tảng và hoạt động kinh doanh của công ty”.

Brazil – “ngôi sao sáng” của Shopee

Đối với Shopee, mối đe dọa từ những kẻ thách thức mới nổi như TikTok và có lẽ là cả Temu luôn hiện hữu.

Wang thừa nhận rằng “sẽ luôn có đối thủ cạnh tranh hoặc những người khác tham gia thị trường với các góc độ khác nhau, định vị khác nhau, lợi thế khác nhau…”.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có “năng lực hoạt động sâu rộng tại địa phương” để thành công trong trò chơi thương mại điện tử và trích dẫn sự đa dạng của các thị trường Đông Nam Á khác nhau, những thị trường phải được chinh phục “từng cái một”.

Là công ty dẫn đầu thị trường khắp Đông Nam Á, Shopee chắc chắn có lợi thế về quy mô và thời gian hoạt động.

Nhưng một số thách thức này có thể được vượt qua với sự giúp đỡ của những người chơi khác trong hệ sinh thái. Ví dụ: người bán trên TikTok Shop có thể sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ hậu cần bên thứ ba J&T Express, công ty đã xây dựng cơ sở hạ tầng của mình trên khắp khu vực và được cho là “rất tích cực trong chiến lược định giá của mình”.

Từ kinh nghiệm của mình tại Brazil, Shopee biết rằng một công ty đương nhiệm không thể tự mãn: Shopee đã xuất hiện một cách tự nhiên và trở thành ứng dụng mua sắm hàng đầu ở quốc gia Nam Mỹ này theo số người dùng hoạt động hàng tháng vào năm 2022.

Hiện Brazil mang đến cho Sea một cơ hội tuyệt vời để phát triển trong tương lai. Wang cho biết mức tăng trưởng của Shopees ở đây “tương đối mạnh hơn… so với các thị trường châu Á của chúng tôi” và tỷ lệ nhận hàng tổng thể ở Brazil “cao hơn đáng kể” so với nhiều thị trường khác.

Trong khi hoạt động kinh doanh tại Brazil của Shopee vẫn thua lỗ, lợi nhuận tăng 54% theo quý.

Shopee cũng có thể cung cấp cho SeaMoney một tiền đề để cung cấp các dịch vụ tài chính. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn quản lý Oliver Wyman, chỉ riêng quy mô của ngành kinh doanh dịch vụ tài chính bán lẻ ở quốc gia này đã có giá trị ước tính khoảng 126 tỷ USD vào năm 2025.

Garena đang thụt lùi?

Đầu tiên phải khẳng định rằng, mảng giải trí kỹ thuật số của Sea vẫn có số EBITDA điều chỉnh và tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong ba bộ phận kinh doanh của tập đoàn.

Tuy nhiên, số người dùng hoạt động hàng quý đã giảm xuống còn 486 triệu – mức thấp nhất kể từ Quý 1 năm 2020 – và lượng đặt trước cũng ở mức thấp nhất kể từ đó. Sea nhận ra rằng họ cần tập trung vào việc ổn định cơ sở người dùng, đồng thời cho biết vẫn quyết tâm biến trò chơi Free Fire do mình tự phát triển thành một “thương hiệu lâu dài mạnh mẽ”.

Công bằng mà nói, việc chơi game chậm lại sau đại dịch là một trở ngại đối với toàn ngành. Nhưng Sea đã hoạt động đủ tốt để các nhà đầu tư bỏ qua các vấn đề tại Garena – ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Nguồn: Techinasia