Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Chuyện về những biệt đội “phượt” đáy biển nhặt rác, bảo vệ đại dương

Cùng chung chí hướng, những chàng trai cô gái này không ngại vất vả, cùng nhau ngâm mình hàng giờ để dọn rác dưới biển sâu. Hành động của họ thật đáng ngưỡng mộ.

Nếu như trên cạn có đội quân nhặt rác những ngày cuối tuần gồm học sinh, sinh viên, thanh niên tình nguyện, thì rất may, dưới gần cả chục mét nước vẫn có những thanh niên lặn biển chuyên nghiệp. Họ ngày ngày rảo quanh các rạn san hô sống để thu gom rác thải. Họ đi thành từng nhóm “phượt” dưới nước, vừa lặn vừa nhặt những bao tải rác thải kéo vào bờ...

Biệt đội bảo vệ san hô

Thông tin trên VietNamNet, từ trung tâm xã Nhơn Hải, Tp.Quy Nhơn, các thành viên Đội bảo vệ rạn san hô thường xuyên dùng thuyền vượt biển đến chốt bảo vệ ở khu vực phía Tây Hòn Khô nhỏ.

Cứ tầm 8h sáng, khi nước biển đã dần ấm lên, 6 người trong đội giúp nhau mặc đồ lặn, mang bình khí. Người cầm vợt, người cầm túi lưới, người cầm móc lặn xuống lòng biển sâu, bủa về các hướng để nhặt rác, bắt sao biển gai.

Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng (SN 1985, trú thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải), Đội trưởng Đội bảo vệ rạn san hô xã Nhơn Hải cho biết, đây là một trong 4 đội được thành lập từ Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải.

Xã hội - Chuyện về những biệt đội “phượt” đáy biển nhặt rác, bảo vệ đại dương

Các thành viên mang thiết bị lặn sâu, lặn dưới đáy biển Hòn Khô nhỏ để nhặt rác. Ảnh: Diễm Phúc.

Tổ cộng đồng được lập dựa trên cơ sở tự nguyện tham gia của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức làm nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến, hậu cần dịch vụ nghề cá, du lịch sinh thái cộng đồng trong các vùng biển được giao. Đội bảo vệ rạn san hô có nhiệm vụ thả phao tiêu, tuần tra bảo vệ rạn san hô tại khu vực được khoanh vùng tại Hòn Khô nhỏ.

Trong quá trình tham gia vào đội, nhận thấy rác thải ở dưới đáy đại dương còn rất nhiều, làm ảnh hưởng đến rạn san hô và các loài sinh vật khác, anh Sáng đã cùng với các thành viên thành lập nhóm để dọn rác thải dưới lòng đại dương.

Cũng theo anh Sáng, trước đây rác thải rất nhiều, chủ yếu là vỏ lon bia, nước ngọt, các loại túi ni lông và dẻ bùi nhùi. Tập trung nhiều nhất là ở khu vực mé biển.

Xã hội - Chuyện về những biệt đội “phượt” đáy biển nhặt rác, bảo vệ đại dương (Hình 2).

Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng cho biết, lượng rác đến nay đã giảm thiểu rất nhiều. Ảnh: Diễm Phúc.

Công việc dọn rác thải dưới lòng biển được thực hiện đều đặn, mỗi tuần 1 lần. Họ làm việc bằng cái tâm, bằng tình yêu lớn lao dành cho biển. Ai cũng tự nguyện và không có đòi hỏi gì từ công việc này. Với mỗi thành viên trong nhóm, mong ước duy nhất của họ chính là góp một phần nhỏ vào làm sạch đại dương, bảo vệ rạn san hô.

Những thanh niên “say” rác

Cùng tình trạng với Hòn Khô, bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) với những điểm check-in nổi tiếng như ghềnh Bàng, mũi Nghê, bãi Bụt, hòn Sụp, bãi Lở, hòn Chảo... cũng từng phải oằn mình gánh chịu hành động thải rác của con người. Rác thải chủ yếu vẫn là vỏ lon, hộp nhựa, ni lông...

Thông tin trên Thanh Niên, anh Đào Đặng Công Trung (39 tuổi, làm trong ngành du lịch) là một cái tên khá quen thuộc ở Sơn Trà. Đã nhiều năm trôi qua, ngày nào anh cũng dành ít thời gian đi nhặt rác ở khu vực quanh bán đảo này. Khi câu chuyện nhặt rác của anh Trung lan tỏa đến đông đảo bạn trẻ ở Đà Nẵng, thu hút họ cùng nhặt rác làm sạch Sơn Trà thì anh Trung lại cùng những người bạn chuyên “phượt” đáy biển mở ra câu chuyện mới: lặn biển nhặt rác.

Họ sống cùng Sơn Trà nên hiểu rõ khu vực này như lòng bàn tay, từ vị trí các vỉa đá nhô ra biển cho đến các rạn san hô sống, những luồng nước, luồng cá... “Nhưng tuyệt đối không vì am hiểu mà có thể chủ quan khi lặn”, anh Trung nhắc nhở.

Những chuyến lặn biển nhặt rác của nhóm anh Trung luôn có những túi nhỏ thu gom rác thải, với độ lặn sâu từ 3 - 12 m. Nhiều năm qua, anh Trung và nhóm phượt đáy biển của mình không nhớ đã thu gom được bao nhiêu rác thải. Họ chỉ nhớ luôn nhắc nhau không được “say” với rác mà rơi vào tình huống nguy hiểm tính mạng. Anh kể, trung bình mỗi hơi thở sẽ lặn được chừng 1,5 phút. Trong khoảng thời gian đó, người lặn sẽ khoanh vùng vị trí họ tiếp cận và lượng rác cần xử lý.

Xã hội - Chuyện về những biệt đội “phượt” đáy biển nhặt rác, bảo vệ đại dương (Hình 3).

Rất nhiều rác được đưa lên bờ (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Trong số những người ham theo rác phải kể đến chị Trà Thanh Tú (Đà Nẵng). Thừa hưởng “gien trội” từ người cha là một đặc công nước, chị Tú được bạn bè đặt biệt danh “rái cá”. Chị Tú cho biết, tùy theo độ sâu mà người lặn có thể lặn một hơi, tầm 5 - 7m nước chỉ cố để nhặt 2 - 3 vỏ lon. Nếu gặp nơi nhiều rác quá mà cứ gắng lượm từng cái và không lường được con nước để trồi lên, thì rất nguy hiểm. Ngoài hơi thở, người lặn còn phải đặc biệt lưu ý di chuyển của chân vịt, bởi nếu vướng lưới khi gần hết hơi thì rủi ro khôn lường...

Những chuyến vớt rác dưới đáy biển của nhóm bạn trẻ không chỉ thầm lặng, mà cứ như... muối bỏ biển nếu tương quan với lượng rác thải đang được xả bừa bãi. Để lôi vài vỏ lon đang bám chặt các vỉa san hô ở độ sâu cả chục mét nước lên bờ, những bạn trẻ “phượt đáy biển” phải đối diện rủi ro thường trực. Nhưng họ vẫn làm, đơn giản chỉ vì đáy biển đang cần họ...

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết, trong những năm qua, các thành viên Tổ cộng đồng đã thường xuyên ra quân dọn vệ sinh bãi biển, vệ sinh rạn san hô tại khu vực khoanh vùng bảo vệ, bắt và tiêu diệt sao biển gai.

Lam Anh (Tổng Hợp)