Nắng nóng đến sớm, dự báo mùa hè khắc nghiệt

Từ ngày 22 đến 24/3, các tỉnh Bắc Trung bộ đón nắng nóng diện rộng, miền Bắc nắng nóng cục bộ, mùa hè được nhận định là đến sớm và khắc nghiệt hơn so với năm ngoái.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng gió phơn nên từ 21/3, vùng núi phía Tây các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có khả năng xảy ra nắng nóng. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-36 độ. Từ 22 đến 24/3, nắng nóng diện rộng xuất hiện tại Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế với nhiệt độ cao nhất dự báo 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.

Tại miền Bắc, từ hôm nay (20/3) trời nắng, nhiệt độ tăng dần. Từ 22 đến 24/3, miền Bắc trời nắng, có nơi nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-35 độ. Thủ đô Hà Nội trong các ngày từ 22 đến 24/3, trời có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất 35 độ.

Nắng nóng đến sớm, dự báo mùa hè khắc nghiệt - Ảnh 1.

Từ 22-24/3, miền Bắc, miền Trung đón nắng nóng Ảnh: Như Ý

Riêng khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên trong các ngày 22-24/3 có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-36 độ, có nơi trên 36 độ. Trong khi đó, đợt nắng nóng nhiều ngày qua ở Đông Nam bộ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những ngày tới, nhiệt độ cao nhất khu vực này vẫn phổ biến từ 35-36 độ, có nơi trên 36 độ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo, nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn làm gia tăng nguy cơ cháy nổ, đặc biệt là cháy rừng ở các tỉnh Bắc Trung bộ. Nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Dự báo, chỉ số tia UV tại miền Bắc trong những ngày tới ở ngưỡng gây hại cao đến sức khỏe con người. Tại miền Trung và Nam bộ, chỉ số tia UV cực đại ở mức gây hại rất cao, thậm chí chạm mức nguy hiểm (mức 10-11). Người tham gia hoạt động ngoài trời cần bôi kem chống nắng, mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính râm, uống nhiều nước và hạn chế tiếp xúc trực tiếp dưới nắng.

Cơ quan khí tượng nhận định, từ khoảng nửa cuối tháng 6, bão/áp thấp nhiệt đới có thể xuất hiện trên khu vực Biển Đông, phù hợp với quy luật khí hậu. Từ tháng 7-9, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng tương đương với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (khoảng 4-5 cơn), có khả năng tác động đến các khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, mùa hè năm nay đến sớm và gay gắt hơn so với năm 2022. Dự báo từ tháng 4 đến 5, nắng nóng sẽ gia tăng về cường độ và mở rộng về phạm vi ở miền Bắc, miền Trung đồng thời tiếp tục duy trì ở các tỉnh Đông Nam bộ.

Nhiệt độ trung bình trên hầu khắp cả nước trong tháng 4 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1 độ. Trong hai tháng 5-6, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn 0,5 độ.

Dự báo tháng 7-8, nắng nóng tiếp tục xảy ra chủ yếu ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ, cường độ nắng nóng có khả năng gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022. Từ tháng 7-9 trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ cao hơn từ 0,5-1 độ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Các chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, không ngoại trừ các đợt nắng nóng cực đoan có thể xảy ra trong mùa hè năm nay.

Link nội dung: https://www.tapchidautuvietnam.com/nang-nong-den-som-du-bao-mua-he-khac-nghiet-a34192.html