Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Biểu đồ “thăng” dần lên của quan hệ Việt Nam - Brazil sau 35 năm

Trong 35 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Brazil đã và đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (8/5/1989 – 8/5/2024) và 17 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Brazil (5/2007 - 5/2024), Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Brazil, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brazil về thành tựu và triển vọng hợp tác giữa hai nước.

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa Đại sứ, mối quan hệ Việt Nam - Brazil đã đi được chặng đường 35 năm. Xin Đại sứ khái quát một số nét chính về các mặt quan hệ giữa hai nước trong những năm qua?

Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Vào ngày 8/5 cách đây 35 năm (năm 1989), Việt Nam và Brazil đã tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước ở cấp Đại sứ. Dù mới trải qua chặng đường gần bốn thập kỷ quan hệ, một thời gian tương đối ngắn ngủi so với lịch sử của mỗi nước, nhưng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Brazil ngày càng phát triển theo biểu đồ “thăng” dần lên.

Năm 1994, Brazil là nước Nam Mỹ đầu tiên lập Đại sứ quán tại Hà Nội; năm 1998, Việt Nam lập Tổng Lãnh sự quán tại Sao Paulo – một trong những thành phố lớn nhát của Brazil và đến năm 2000 nâng cấp lên thành Đại sứ quán đóng tại Thủ đô Brasilia và có Văn Phòng Thương vụ tại Sao Paulo.

Tiêu điểm - Biểu đồ “thăng” dần lên của quan hệ Việt Nam - Brazil sau 35 năm

Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Brazil.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, trong đó đáng chú ý nhất là chuyến thăm Brazil của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 7/2007 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Luiz Inácio Lula Da Silva tháng 7/2008. Kết quả các chuyến thăm này đã thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới và đặc biệt là trong Tuyên bố chung nhân dịp chuyến thăm chính thức Brazil của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai nước đã chính thức thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, bình đẳng cùng có lợi.

Tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Brazil và Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira thăm Việt Nam từ 9-10/4/2024 để tiền trạm chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Brazil tới Việt Nam (dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2024) nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Qua các cuộc trao đổi đoàn cấp cao cũng như cấp Bộ trưởng, hai nước đã ký hàng loạt các văn kiện hợp tác; thiết lập cơ chế Tham khảo chính trị giữa hai Bộ ngoại giao và cơ chế Họp Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam – Brazil. Hiện nay các Bộ, ngành hai nước đang phối hợp triển khai các văn bản hợp tác ký kết nêu trên.

Cùng với sự phát triển quan hệ chính trị, quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư giữa hai nước cũng ngày càng phát triển. Vào năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao 1989, tổng kim ngạch thương mại mới chỉ đạt 16 triệu USD và tăng dần lên đạt 59,11 triệu USD năm 2004; năm 2014 con số này đã gần 3 tỷ và đến cuối năm 2023 đạt 7,11 tỷ.

Brazil hiện là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Brazil là thủy hải sản, cao su, may mặc, da giày và sắt thép. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là đỗ tương, bột mì, ngô, thức ăn gia súc, nguyên liệu thô và bông là những nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Ngoài quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam và Brazil cũng đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ đa phương, Việt Nam và Brazil chia sẻ quan điểm về cải tổ Liên hợp quốc cùng nhiều vấn đề quốc tế khác. Hai bên hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế.

Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, Việt Nam ủng hộ Brazil vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2017-2019; trong khi Brazil ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và gần đây nhất là vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đặc biệt, Việt Nam đã ủng hộ việc Brazil tham gia vào Hiệp định Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á của ASEAN.

Tiêu điểm - Biểu đồ “thăng” dần lên của quan hệ Việt Nam - Brazil sau 35 năm (Hình 2).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva trong chuyến thăm chính thức đến Brazil, tháng 9/2023. 

NĐT: Là hai nước cách xa nhau về địa lý, xin Đại sứ cho biết sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước đã có những bước tiến như thế nào?

Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Có thể khẳng định rằng trải qua 35 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước ngày càng phát triển. Tuy ở đối diện nhau ở Đông Tây bán cầu, nhưng người dân hai nước có nhiều đặc tính tương đồng nhau như sự chân tình, lòng mến khách, thắm tình hữu nghị và cởi mở.

Nhân dân Brazil khâm phục về những thành tựu mà nhân dân ta đạt được trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước trước đây cũng như như trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Đáp lại, nhân dân Việt Nam khâm phục về sự phát triển của nền kinh tế Brazil và vai trò ngày càng cao của Brazil trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là việc Brazil thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Người dân Việt Nam rất quan tâm và hiểu biết về nền bóng đá nổi tiếng của Brazil - đất nước đã tham dự tất cả các World cups và 5 lần đoạt vô định thế giới. Người dân Việt Nam còn biết đến Brazil là quê hương của lễ hội Carnaval nổi tiếng thế giới với những trang phục đa sắc màu và những điệu nhảy samba sôi động.

Nhân dân Việt Nam vô cùng cảm động về sự ủng hộ và hỗ trợ của Brazil tại Hội nghị lần thứ 34 của Ủy ban di sản thế giới thuộc UNESCO do Brazil chủ trì tại Brasilia 8/2010 vì chính với sự giúp đỡ này của nước chủ nhà đã góp phần khiến Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.

NĐT: Từng có thời gian là người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam tại Brazil. Đâu là kỷ niệm để lại trong Đại sứ nhiều ấn tượng nhất về đất nước này?

Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Tôi có nhiều kỷ niệm đối với đất nước và con người Brazil. Nhưng kỷ niệm tôi luôn nhớ mãi là vào mùa hè năm 2009 khi có dịp đi công tác tại Rio De Janeiro - thành phố du lịch nổi tiếng của Brazil với Tượng cứu thế và các bãi biển đẹp. Người ta nói rằng nếu ai đi du lịch Brazil mà chưa thăm Rio de Janeiro thì coi như chưa thăm Brazil.

Tôi nhớ vào một buổi chiều đẹp trời sau khi gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp thành phố, một doanh nhân trong số đó đã dẫn tôi đi thăm bãi biển Copacabana. Đây là một trong những bãi biển đẹp nhất của Brazil nói chung và của Rio de Janeiro nói riêng với bờ cát vàng trải dài tới 4,8 km, nước biển trong xanh lúc nào cũng đông người.

Tình cờ, chúng tôi gặp gỡ một nhóm có khoảng 20 người dân, trong đó có một số người là bạn của vị doanh nhân, đang tắm biển và tổ chức tiệc tùng. Họ mời chúng tôi tham gia. Khi vị doanh nhân giới thiệu tôi là Đại sứ Việt Nam đến Rio de Janeiro công tác, mọi ngươi tỏ ra vui mừng và nói chuyện vui vẻ. Trong lúc nói chuyện, có một người (sau đó tôi được biết người này là một Giáo sư dạy lịch sử) đã nói với tôi và mọi người rằng vào khoảng năm 1911, Chủ tich Hồ Chí Minh đã đặt chân lên mảnh đất Rio de Janeiro khi Người đang là đầu bếp trên một tàu biển của Pháp và tàu đã cập bến tại đây. Điều đó càng khiến mọi người cảm thấy thích thú.

Tính cách của người dân Brazil là thích ca hát và nhảy múa. Trong không khí hữu nghị, mọi người đề nghị tôi hát tiếng Việt vì chưa được nghe bao giờ. Đáp lại, tôi đã thể hiện hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Để tạo không khí lan tỏa, trước khi hát, tôi đã dịch sơ bộ nội dung bài hát và đề nghị mọi người cùng đồng ca điệp khúc “Việt Nam – Hồ Chí Minh”.

Quả nhiên, khi tôi hát đến điệp khúc này, mọi người cùng vỗ tay hát vang “Việt Nam – Hồ Chí Minh” ba lần, thậm chí còn có người gõ trống, đệm guitar và thổi kèn, tạo nên một không khí vô cùng ấm áp, hữu nghị và thân tình. Cuộc gặp gỡ tình cờ với những người dân Brazil tại Rio de Janeiro lần đó vì vậy đã để lại trong tôi một kỷ niệm không thể nào quên.

Tiêu điểm - Biểu đồ “thăng” dần lên của quan hệ Việt Nam - Brazil sau 35 năm (Hình 3).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chính sách tại Bộ Ngoại giao Brazil nhân chuyến thăm chính thức đến Brazil, tháng 9/2023. 

NĐT: Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam - Brazil? Đâu sẽ là điểm sáng cần khai thác trong quan hệ song phương?

Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Nhìn về triển vọng quan hệ Việt Nam - Brazil trong vài thập kỷ tới, một điều có thể tin tưởng rằng mối quan hệ này sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp hơn nữa. Sự tin tưởng này dựa trên một số nhân tố cơ bản như sau:

Thứ nhất, hai nước đã thiết lập và đang triển khai quan hệ theo khuôn khổ đối tác toàn diện, bình đẳng cùng có lợi, phù hợp với chính sách hướng về châu Á trong đó có Việt Nam của Brazil cũng như chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Thứ hai, hợp tác giữa hai nước còn nhiều cơ hội và dư địa phát triển. Điển hình như quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Chính vì vậy, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cũng như giới doanh nghiệp hai nước cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư để tăng cường hiểu biết nhau và thúc đẩy quan hệ hợp tác với nhau.

Tôi kỳ vọng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ hai nước, sự tham gia của giới doanh nghiệp hai nước, hợp tác Việt Nam – Brazil đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ có những bước phát triển vượt bậc, trở thành điểm sáng cần khai thác trong quan hệ song phương.

NĐT: Xin cảm ơn Đại sứ về cuộc trao đổi.