Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Công ty Nhôm Đắk Nông hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu

Đến thời điểm tháng 4/2024, sản lượng quặng nguyên khai tại Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) giảm mạnh, chỉ bằng 1/6 so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 4/5, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Vũ Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, sản lượng quặng khai thác của Công ty Nhôm Đắk Nông thực hiện được 557 nghìn tấn (đạt 13,2% kế hoạch năm 2024). Do đó, dẫn đến sản lượng quặng tinh sản xuất thực hiện được 467 nghìn tấn (đạt 28,3% kế hoạch năm); sản lượng Alumin quy đổi thực hiện được hơn 164 nghìn tấn (đạt 25,3% kế hoạch năm).

Nguy cơ phải ngừng sản xuất một phần nhà máy

Sản lượng quặng khai thác đạt thấp, nguyên nhân chủ yếu là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, không đủ diện tích cấp cho khai thác ảnh hưởng đến nguyên liệu đầu vào không đáp ứng đủ cung cấp cho nhà máy sản xuất Alumin.

Công ty Nhôm Đắk Nông hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu- Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: CTV)

Ông Nguyễn Vũ Hoàng chia sẻ, tính từ năm 2020 đến nay, Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV gặp khó khăn trong quá trình sản xuất vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào, mặc dù mỗi năm công ty đều có phần dự trữ nguồn nguyên liệu trong các kho. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ đầu năm 2023 đến quý III/2023, có thời điểm lượng quặng chỉ đủ để sản xuất trong thời gian 1 tuần.

Hàng tháng, khi xây dựng kế hoạch kinh doanh bao giờ công ty cũng có phương án dự phòng lượng nguyên liệu trong kho và trên khai trường. Tình trạng thiếu quặng trong sản xuất ngày càng hiện hữu, tuy nhiên công ty luôn nỗ lực, cố gắng duy trì để đảm bảo ổn định sản xuất tại nhà máy Alumin.

Khi thấp hơn lượng dự phòng cũng như trên khai trường thì được coi là tình trạng thiếu quặng trong sản xuất, không đảm bảo nguyên tắc dự phòng, mỗi lần như vậy công ty phải tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân bàn giao mặt bằng để có diện tích khai thác.

Đến thời điểm tháng 4/2024, nguồn nguyên liệu quặng nguyên khai trên khai trường đang rất ít. Bên cạnh đó, nguồn quặng nguyên khai dự trữ trong kho hiện tại vào khoảng hơn 100 nghìn tấn, chỉ bằng 1/6 so với cùng kỳ năm 2023.

Về doanh thu đạt hơn 890 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch năm, lợi nhuận đạt 30 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước khoảng 65,3 tỷ đồng (trong đó, thuế giá trị gia tăng là: 11.587 triệu đồng; thuế tài nguyên nước, quặng: 23.993 triệu đồng; phí môi trường 28.317 triệu đồng; các loại thuế khác: 1.412 triệu đồng).

“Mặc dù nguồn quặng nguyên khai từ đầu năm 2024 đến nay không đến mức thiếu hụt như cùng kỳ năm ngoái nhưng luôn luôn khó khăn. Theo đánh giá, nếu người dân không bàn giao đất cho dự án, cùng với đó là sắp bước vào mùa mưa sẽ bước vào thời điểm rất khó khăn, nguy cơ phải ngừng sản xuất gần hiện hữu. Chúng tôi sẽ cố gắng không để xảy ra tình trạng phải dừng sản xuất toàn bộ nhà máy. Lúc đó chúng tôi phải điều tiết sản lượng, điều tiết tải của nhà máy giảm xuống để kéo dài sản xuất. Trường hợp mà phải dừng hẳn nhà máy đến khi khởi động lại sẽ tốn kém rất nhiều tiền của,…”- ông Nguyễn Vũ Hoàng nhấn mạnh.

Nhiều diện tích đất chưa được bàn giao cho dự án

Bên cạnh đó, ông Hoàng cho biết thêm, về tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh từ đầu năm đến nay như: Công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng (đối với khai trường năm 7 – 8), UBND huyện Đắk R’Lắp đã phê duyệt 09 phương án/115 hộ/91,2 ha. Trong đó, số hộ chưa nhận tiền là 30/115 hộ với diện tích là 29,84/91,2 ha; số hộ đã nhận tiền là 85/115 hộ, với diện tích là 61,39/91,23 ha, tuy nhiên vẫn chưa bàn giao thực địa là 17,94 ha và nhận bàn giao mặt bằng 44,60/91,23 ha.

Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình Khoang số 3 Hồ bùn đỏ phục vụ duy trì sản xuất Nhà máy Alumin Nhân Cơ, UBND huyện Đắk R’Lấp đã phê duyệt giá đất, xây dựng phương án, lấy ý kiến và tổ chức đối thoại các hộ gia đình, cá nhân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Còn dự án đầu tư xây dựng Đập hồ chứa bùn sau tuyển rửa số 2, đến nay mới thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ được 52/64 hộ với diện tích là 51,80/65,11 ha (trong đó 29 hộ đã bàn giao mặt bằng với diện tích 16,96 ha, 23 hộ diện tích 34,84 ha chưa bàn giao mặt bằng); còn lại 12 hộ diện tích 13,31 ha chưa nhận tiền bồi thường.

Cùng với đó, khai trường năm thứ 9 đến năm thứ 10, ngày 05/3, UBND huyện Đắk R’Lấp đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về việc thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để thực hiện dự án với tổng diện tích dự kiến thu hồi trong ranh giới được cấp phép khoảng 124,4 ha, diện tích bị ảnh hưởng ngoài phạm vi quy hoạch cần thu hồi khoảng 55,8 ha. UBND huyện Đắk R’Lấp đang chỉ đạo các đơn vị phối hợp hoàn thành việc thu thập thông tin của các hộ dân để làm cơ sở ban hành Thông báo thu hồi đất trong tháng 5/2024.

Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đã hoàn thiện đề án đóng cửa mỏ một phần diện tích khai thác khoáng sản tại các xã Đắk Wer và Nghĩa Thắng, mỏ Bauxit Nhân Cơ tỉnh Đắk Nông để trả lại đất cho địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với diện tích 130 ha theo ý kiến của Hội đồng thẩm định. Trong thời gian tới, công ty tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, bộ, ngành có liên quan để sớm trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đề án, quyết định đóng cửa mỏ.

Từ những khó khăn trên, Công ty Nhôm Đắk Nông kiến nghị, các cấp chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ công ty trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân bàn giao đất theo quy định. Tích cực triển khai các phương án hỗ trợ tái định cư cho người dân theo các kế hoạch đã đề ra,…