Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Doanh nghiệp rau quả bước vào “cuộc chiến" gay gắt

Tình trạng nắng nóng, ngập mặn tại nhiều địa phương khiến nguồn cung trái cây suy giảm. Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả không dám nhận đơn hàng mới.

4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 1,804 tỉ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Trong đó, sầu riêng, thanh long tiếp tục là 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất.

Hiện nay, nhu cầu mua trái cây Việt Nam tại các thị trường truyền thống vẫn tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên trong bối cảnh nắng nóng kéo dài, tình trạng hạn mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang gay gắt đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất rau quả. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn về nguồn cung.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, mặc dù 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả rất khả quan, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó do giá cước vận tải tăng phi mã.

photo-1714881998718

Sơ chế thanh long xuất khẩu. Ảnh: Hà Linh

 

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng khiến việc bảo quản trái cây cũng khó khăn hơn. Để đáp ứng chất lượng sản phẩm doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành. Tính riêng chi phí vận hành đã tăng 20%-30%. Điều này khiến rau quả bị đội giá lên cao.

Đáng lo nhất là tình trạng nắng nóng, ngập mặn nghiêm trọng tại các tỉnh như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung xuất khẩu.

Theo ông Tùng, nhiều mặt hàng như dừa tươi, bưởi nguồn cung đang sụt giảm mạnh. Tại Bến Tre, bưởi gần như không có nhiều để xuất khẩu. Nếu trước đây doanh nghiệp chỉ thu mua bưởi từ 1kg trở lên thì hiện nay phải thu mua từ 0,6kg trở lên.

“Nếu trước đây doanh nghiệp chỉ cần ngồi một chỗ, thương lái sẽ mang hàng đến chào, thì hiện nay doanh nghiệp phải tăng cường nguồn lực vào tận vườn thu mua. Đáng chú ý, nguồn hàng khan hiếm khiến các đơn vị phải giảm tiêu chuẩn chọn lựa để có hàng hóa cung ứng cho thị trường”, ông Tùng cho biết.

Hay như mặt hàng dừa, hiện giá dừa mua tại vườn của Bến Tre hiện lên đến 130.000 đồng/10 trái dừa, hàng xuất khẩu hơn 200.000 đồng, trong khi trước đây có những thời điểm chỉ 40.000-50.000 đồng/10 trái, tức đã tăng gấp 3-4 lần.

“Các doanh nghiệp xuất khẩu đang bước vào cuộc chiến gay gắt do khan hiếm nguồn hàng vì nắng nóng. Các loại nông sản đều đang tăng giá đột biến. Chẳng hạn như dừa, mặt hàng này còn sốt hơn vàng, buổi sáng chốt giá, buổi chiều giá đã tăng lên 20-30%”, ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T Group nói.

Nguồn cung suy giảm, trong khi hợp đồng với khách hàng đã ký, do đó, để có được nguồn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp phải tăng giá thu mua. Đồng thời đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để người nông dân bán hàng cho công ty. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải cam kết mùa thấp điểm vẫn bao tiêu, đảm bảo đầu ra ổn định quanh năm.

Với các hợp đồng đã ký, doanh nghiệp chấp nhận mua hàng giá cao để giao cho khách hàng. Và doanh nghiệp đang phải từ chối nhiều đơn hàng mới vì không có đủ nguồn hàng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, do nắng nóng nên sản lượng, khối lượng trái thanh long giảm nhiều, dẫn đến nguồn cung khan hiếm.

Theo ông Trịnh, nếu trước đây vụ tháng 5 đến tháng 8, thanh long tại Long An có thể thu hoạch khoảng 100.000 tấn thì hiện sản sản lượng chỉ còn khoảng 50%.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này, ông Trịnh cho rằng ngoài nguyên nhân thời tiết khắc nghiệt, trước đó do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 người trồng thanh long khó khăn về đầu ra nên đã chuyển sang các loại cây trồng khác.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận, hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long khiến chất lượng sản phẩm không đạt, ảnh hưởng đến nguồn cung xuất khẩu rất lớn. Đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh như sầu riêng, thanh long. Đây là những loại cây trồng cần nhiều nước, tuy nhiên ở các vùng Bình Thuận, Long An đều hạn hán khiến cây không ra trái hoặc ra nhưng trái không đạt.

Điển hình như tại Bình Thuận, hiện toàn tỉnh hiện có 26.500ha thanh long, giảm gần 1.150ha so cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, từ tháng 3/2024 nhiều hộ tiếp tục chong đèn trái vụ nhưng thời tiết nắng nóng gay gắt, gió mạnh nên khả năng ra hoa không đạt, dẫn đến năng suất thu hoạch thấp.

“Tình trạng suy giảm nguồn cung không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà các nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như Thái Lan, Philippines nguồn cung trái cây cũng suy giảm”, ông Nguyên chia sẻ và cho biết thêm rằng mục tiêu xuất khẩu rau quả 6 tỷ vẫn khả quan. Bởi từ nay đến cuối năm 2024 vẫn còn một vụ thanh long, trong khi mặt hàng sầu riêng tại khu vực miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, khu vực Tây Nguyên sản lượng vẫn ổn định.