Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Hai 'khách sộp' tăng mạnh nhập nông sản Việt Nam

Việc Mỹ và Trung Quốc đều tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu đã giúp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tiếp tục tỏa sáng. Đáng chú ý, vị trí "khách hàng" nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam lớn nhất liên tục có sự thay đổi giữa 2 thị trường này.

Trao đổi với Tiền Phong , ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp Hội rau quả Việt Nam - cho biết, sau một năm lập kỷ lục, trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả của nước ta tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Nguyên, xuất khẩu rau quả tiếp tục bùng nổ nhờ mặt hàng sầu riêng (chiếm hơn 40% tổng kim ngạch của ngành) vẫn giữ giá bán cao. Năm ngoái, Việt Nam đã trồng được sầu riêng trái vụ nhưng sản lượng chưa nhiều, song năm nay nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có kinh nghiệm hơn trong sản xuất, nhờ đó sản lượng sầu riêng trái vụ tăng 30-40%.

Đặc biệt, Trung Quốc tiếp tục tăng thu mua rau quả Việt Nam khi xuất khẩu trong quý đầu năm sang thị trường này uớc đạt gần 760 triệu USD, tăng 32,4%.

"Khủng hoảng trên Biển Đỏ khiến hàng của các nước Nam Mỹ, Trung Đông, châu Âu muốn xuất khẩu vào Trung Quốc phải đi vòng qua Nam châu Phi, khiến chi phí vận chuyển đội lên cao, thời tăng tăng thêm 15-20 ngày, tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam có cơ hội gia tăng thị phần tại thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất thế giới", ông Nguyên cho hay.

Hai 'khách sộp' tăng mạnh nhập nông sản Việt Nam- Ảnh 1.

Xuất khẩu rau quả Việt Nam trong những tháng đầu năm tiếp tục tăng mạnh.

Đại diện Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cho biết, trước đây thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp. Tuy vậy, thời gian gần đây, Trung Quốc đang dẫn đầu về doanh thu của công ty, với hàng trăm tấn chuối, mít, thanh long, sầu riêng xuất bán mỗi năm. Không ít doanh nghiệp Việt trước nay chỉ làm ăn với các đối tác ở châu Âu, Mỹ… bắt đầu quay lại với thị trường Trung Quốc khi cơ hội ở thị trường này đang rộng mở.

Không chỉ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Mỹ trong những tháng đầu năm tăng vọt.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và lâm sản sang thị trường Mỹ trong quý I năm nay đạt 1,9 tỷ USD (tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái), thủy sản đạt 323,2 triệu USD (tăng 15%), rau quả đạt 67 triệu USD (tăng 34%), hạt điều đạt 208 triệu USD (tăng 22,3%), cà phê đạt 119 triệu USD (tăng 38,3%)...

Ông Nguyễn Hoài Bảo - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) - cho biết, tình hình xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong 4 tháng đầu năm có những tín hiệu khả quan nhờ nhu cầu tăng trở lại từ các thị trường chủ lực.

Theo ông Bảo, sau thời gian đóng băng do ảnh hưởng của lạm phát, đến nay các nhà nhập khẩu ở các thị trường lớn, điển hình ở Mỹ đã sử dụng hết hàng tồn kho nên tăng dần nhập khẩu các đơn hàng mới, tạo điều kiện cho ngành gỗ và lâm sản có sự hồi phục mạnh mẽ.

Hai 'khách sộp' tăng mạnh nhập nông sản Việt Nam- Ảnh 2.

Việc các thị trường lớn hồi phục giúp xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt hơn 5 tỷ USD trong 4 tháng.

Theo số liệu thống kê mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa công bố, trong tháng 4, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ước đạt 4 đạt 5,14 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7%.

Đáng chú ý, Mỹ trở lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường Mỹ trong 4 tháng tăng 25,7% (chiếm 20,1% thị phần), Trung Quốc tăng hơn 15% (chiếm 18,9% thị phần); Nhật Bản tăng 9,6% (chiếm 6,9% thị phần).

Vào năm ngoái, thị trường Mỹ chỉ chiếm 20,7% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, còn Trung Quốc chiếm hơn 23%.

Bộ NN&PTNT cho biết, để tiếp tục duy trì tốt đà tăng trưởng xuất khẩu sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản , thủy sản, nhất là sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu; đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Halal, Trung Đông, châu Phi…