Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Không nóng vội trong đổi mới giáo dục ở bậc mầm non

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần làm rõ nội hàm của đổi mới giáo dục mầm non, đảm bảo phù hợp với quan điểm phát triển giáo dục và xu thế thực tiễn hiện nay.

Hôm nay (4/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Uỷ ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, hơn 10 năm qua, giáo dục và đào tạo của đất nước đã có nhiều sự thay đổi mang tính cách mạng. Đổi mới thể hiện ở hầu hết các thành tố, các khâu, các đối tượng của giáo dục, tuy nhiên được tiến hành mạnh mẽ và được chú ý nhiều hơn ở giáo dục đại học, giáo dục phổ thông.

Giáo dục mầm non của cả nhà trẻ, mẫu giáo cũng đã có những đổi mới. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đánh giá chúng ta đã thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên phạm vi cả nước và thu được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, về sự đầu tư, sự quan tâm, sự chuyển biến vẫn chưa thực sự nhiều như mong muốn.

Theo đó, với chủ trương phát triển con người một cách toàn diện, lấy dạy người làm gốc, lấy sự phát triển con người để làm nền tảng cho sự phát triển của nguồn nhân lực, thì việc đổi mới và chăm lo cho giáo dục mầm non càng trở nên quan trọng.

Với một quốc gia, sự chăm sóc và đầu tư cho trẻ em vừa thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, cũng vừa là logic tất yếu theo yêu cầu của khoa học giáo dục. Đây là tiền đề cho sự đổi mới toàn bộ hệ thống giáo dục.

Tiêu điểm - Không nóng vội trong đổi mới giáo dục ở bậc mầm non

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp.

Cũng tại phiên họp, các ý kiến đều thống nhất vai trò quan trọng của giáo dục mầm non và cần tăng cường sự quan tâm, đầu tư cho cấp học này. Việc cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi, Nghị quyết về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non cũng được nhiều ý kiến đồng thuận; kèm theo đó là yêu cầu tính toán kỹ điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi trong triển khai.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đóng góp ý kiến: “Chúng ta phải nhận thức lại vai trò của giáo dục, đào tạo, đặc biệt là 1000 ngày đầu đời của trẻ em”. Đồng thời bà cũng cho rằng, điểm nghẽn hiện nay với giáo dục mầm non cả ở nguồn lực tài chính, nguồn lực con người và sự quan tâm của các địa phương, của các cấp. Dù giáo dục mầm non đã được quan tâm nhưng chưa đủ so với yêu cầu.

Từ đó, nguyên Phó Chủ tịch nước bày tỏ sự đồng tình với việc cần phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi. Muốn phổ cập giáo dục mầm non từ 3-5 tuổi theo xu hướng phát triển hiện đại, vươn tầm quốc tế, bảo đảm quyền trẻ em, việc đầu tiên là phải đổi mới chương trình.

Ông Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định cần thể chế hóa chủ trương trong Nghị quyết số 42 ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; trong đó có nội dung “hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi” đến năm 2030. Đồng thời nhất trí về xây dựng Nghị quyết về phổ cập trẻ 3-5 tuổi trình Quốc hội.

Tiêu điểm - Không nóng vội trong đổi mới giáo dục ở bậc mầm non (Hình 2).

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo đánh giá cao sự chuẩn bị và nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong xây dựng các đề án về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Cùng với đó, Thủ tướng hoan ngênh, cảm ơn các ý kiến đóng góp tại phiên họp với tinh thần chung là mong muốn nền giáo dục nước nhà phát triển hơn nữa và phù hợp xu thế.

Và nhấn mạnh vị trí, tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo với sự phát triển đất nước, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, nhận thức vậy để tiếp cận giải quyết vấn đề của giáo dục theo hướng tổng thể, toàn diện, bao trùm nhưng phải căn cứ vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nhắc tới Nghị quyết số 42, trong đó có chỉ tiêu đến năm 2030 "Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi", Thủ tướng chỉ đạo, phải thế chế hoá, cụ thể hoá chủ trương của Đảng.

Cụ thể, theo Thủ tướng, thực trạng giáo dục mầm non còn nhiều bất cập, khó khăn. Muốn thực hiện được mục tiêu của Đảng, cần giải quyết, tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn và muốn tháo gỡ được khó khăn phải có đề án. Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng đề án và cần xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng lưu ý, Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện đề án. Trong đó làm rõ hơn, mạch lạc hơn căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý, thực trạng thực tế hiện nay, thẩm quyền xem xét từng nội dung, đề xuất. Chính phủ làm gì, Quốc hội làm gì, các Bộ, ngành, địa phương làm gì.

Tiêu điểm - Không nóng vội trong đổi mới giáo dục ở bậc mầm non (Hình 3).

Toàn cảnh phiên họp.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo cần làm rõ nội hàm của đổi mới giáo dục mầm non. Đó là phải phù hợp với quan điểm phát triển giáo dục của Đảng, pháp luật của Nhà nước là đào tạo và phát triển toàn diện con người; phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; phù hợp với thực tiễn, hoàn cảnh của đất nước trong bối cảnh hiện nay; đổi mới cách huy động nguồn lực thông qua hợp tác công - tư là chính…

Với những điểm “nghẽn” lớn hiện nay của giáo dục mầm non, Thủ tướng lưu ý cần làm rõ để có cơ sở đề xuất giải quyết phù hợp.

Cụ thể là điểm “nghẽn” thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, tiếp cận giáo dục mầm non chưa bình đẳng nhất là vùng sâu vùng xa và người yếu thế. Để giải quyết, Thủ tướng gợi mở cần có cơ chế chính sách huy động nguồn lực con người và nguồn lực vật chất, trong đó rà soát lại cơ chế hiện hành, những gì đã có, những gì đã có nhưng chưa làm được…

Cuối cùng, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT tiếp thu và tiếp tục hoàn thành đề án để trình các cấp có thẩm quyền. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp với Bộ GD&ĐT trong quá trình hoàn thiện đề án. Tinh thần chung là không cầu toàn nhưng không nóng vội; chuẩn bị kỹ lưỡng, làm kỹ và làm chắc.