Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Ký hiệu hòa bình, tự do của thanh niên xung phong thời chống Mỹ

Để có hòa bình như ngày nay là cả một quá trình chiến đấu giành, giữ nước của quân dân ta. Ký hiệu hòa bình này luôn "tạc ghi" trong tim người thanh niên xung phong.

Tại phòng trưng bày kỷ vật chiến tranh tại Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh (145 Pasteur, quận 3, Tp.HCM), PV Người Đưa Tin đã có cơ hội được chiêm ngưỡng, nghe kể chuyện về thời chiến. Nơi đây lưu giữ và trưng bày các kỷ vật, đồ lưu niệm thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cùng các hình ảnh lưu niệm tình nguyện của các cô chú, anh chị là cựu cán bộ Đoàn, thanh niên xung phong, hoạt động cách mạng khu vực phía Nam.

Dân sinh - Ký hiệu hòa bình, tự do của thanh niên xung phong thời chống Mỹ

Những câu khẩu hiệu được treo trong phòng trưng bày.

Ký hiệu hòa bình, tự do

Bà Nguyễn Minh Hạnh, nguyên cán bộ khu Đoàn Tây Nam Bộ, Phó Tổng thư ký Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn phía Nam, người đã có hơn 50 năm tuổi Đảng, hoạt động dưới danh nghĩa là cán bộ Đoàn, thanh niên xung phong tại mặt trận Tây Nam Bộ bồi hồi chia sẻ về những kỷ vật thời chiến của mình. Bà nhắc đến ký hiệu “hòa bình, tự do” trên những chiếc khăn choàng, khăn tay, cuốn sách, cuốn tập. Ký hiệu đôi chim bồ câu được thêu, in trên từng kỷ vật đại diện cho khát vọng hòa bình. Bồ câu còn là biểu tượng của sự tự do, độc lập.

Dân sinh - Ký hiệu hòa bình, tự do của thanh niên xung phong thời chống Mỹ (Hình 2).

Ký hiệu đôi chim bồ câu trên chiếc khăn choàng.

“Chiếc khăn này là kỷ vật của tôi tặng cho phòng trưng bày. Trên đây thêu cặp chim bồ câu, biểu tượng của hòa bình, tự do. Tôi và các đồng đội của mình, cùng toàn thể người Việt Nam thời bấy giờ rất khao khát hòa bình, tự do”, bà Hạnh xúc động và đầy tự hào chia sẻ với PV.

Dân sinh - Ký hiệu hòa bình, tự do của thanh niên xung phong thời chống Mỹ (Hình 3).

Bà Nguyễn Minh Hạnh chia sẻ về ký hiệu hòa bình, tự do.

Ngoài ra, bà Hạnh còn chia sẻ thêm câu khẩu hiệu mà bản thân vô cùng thích đó là: “Vì độc lập, ta dốc toàn sức trẻ. Yêu tự do ta hiến trọn tuổi xuân". Câu khẩu hiệu này là câu khẩu hiệu của sự hành động, của tuổi trẻ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Tức là mọi người đều dốc hết sức của mình, sẵn sàng hiến dâng, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng lao ra phía trước.

Ngày 30/4/1975, lúc đó, bà Hạnh đang công tác tại mặt trận U Minh Hạ, tức là Cà Mau lúc bấy giờ. Nghe tin chiến thắng được báo về, cảm xúc lúc đó của bà Hạnh rất đặc biệt. "Tôi nhớ cảm xúc lúc đó chỉ biết vỡ òa hạnh phúc vì niềm vui chiến thắng, xúc động mãnh liệt. Nghe tin Việt Nam giành được độc lập, tôi chỉ muốn bay lên, nhảy lên vì khát vọng của tuổi trẻ đã đạt được”, bà Hạnh chia sẻ.

Dân sinh - Ký hiệu hòa bình, tự do của thanh niên xung phong thời chống Mỹ (Hình 4). Kỷ vật một thời tuổi trẻ hào hùng được bà Hạnh nâng niu từng chút một.

Hòa bình được viết bằng xương, bằng máu

Sau 49 năm độc lập, tự do, thế hệ trẻ đang dần tiếp nối truyền thống cha ông để lại, mong mai sau dựng xây quê hương phát triển giàu, mạnh. Bà Hạnh khi nhắc đến những tâm sự dành riêng cho thế hệ trẻ, thế hệ tiếp nhận, quản lý, dựng xây Tổ quốc bây giờ bằng những cảm xúc chân thành, đầy hy vọng nhất.

"Sống xứng đáng với sự hy sinh xương máu, độc lập, hòa bình đâu phải dễ đâu. Hòa bình đổi bằng xương, bằng máu. Cho nên cái giá của hòa bình, cái giá của độc lập đối với chúng ta rất thiêng liêng. Thiêng liêng bởi vì viết lên bằng xương, bằng máu của không biết bao nhiêu thế hệ ngã xuống. Vì vậy, tuổi trẻ và mai sau này hãy gìn giữ, bảo vệ, tôn thờ nó. Trên đời này không có lỗi gì lớn hơn việc có lỗi với lịch sử. Thế hệ trẻ hãy hiểu lịch sử và trân trọng nó. Có lỗi với lịch sử là lịch sử không thể tha thứ cho chính chúng ta", bà Hạnh nói.

Nhiều năm qua, Phòng trưng bày kỷ vật truyền thống tại Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh tại Tp.HCM vẫn luôn tiếp nhận các kỷ vật chiến tranh để lại từ các anh hùng, bộ đội, thanh niên xung phong nhằm gia tăng sự phong phú, đa dạng của phòng trưng bày. Mục tiêu trưng bày hướng đến sự quan tâm của người dân đến tham quan, chiêm nghiệm, biết ơn những gì mà cha ông ta đã để lại để có được độc lập, hòa bình như ngày hôm nay.