Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

“Mẹ ơi! Sao con xấu thế, bạn sợ không dám chơi cùng”

Câu nói thơ ngây của đứa con có dị tật sứt môi hở hàm ếch khiến cho người mẹ chân quê câm lặng chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc.

“Bạn em nói: Sao mày xấu thế”

19 tuổi nhưng N.T.A (quê tại Hà Tĩnh) có suy nghĩ và nét mặt già hơn so với tuổi. Sinh ra kém may mắn hơn so với chúng bạn, A luôn cảm thấy tự ti vì dị tật hở hàm. Điều đáng sợ hơn là dị tật làm khuôn mặt A mất đi sự cân đối, bạn bè sợ, xa lánh không dám lại gần.

A tâm sự: “Khi đi học bạn bè chẳng ai dám chơi với em, chúng nó nói: Sao mày xấu thế. Nhiều lần em khóc về hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Sao con xấu thế, bạn sợ không dám chơi cùng”.

Ngồi cạnh A cô L.T.N (mẹ A) chia sẻ, câu hỏi ngây thơ của con như là muối sát vào vết thương, những lúc như vậy cô chỉ biết ôm con khóc.

Theo cô N, A sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh hở hàm, biết sau này lớn lên con sẽ phải chịu nhiều thua thiệt. Cô N cũng muốn đi mổ tạo hình thẩm mỹ để giúp con bớt mặc cảm, nhưng vì gia đình quá nghèo nên chỉ biết trông chờ vào các chương trình mổ nhân đạo.

Nghe một người họ hàng mách, cô N biết tới chương trình phẫu thuật nhân đạo tại Thành phố Vinh (Nghệ An), lúc đó A mới 2 tuổi. Cô bồng bế con ra Vinh thực hiện ca mổ đầu tiên. Ca mổ đã khép được một vòm môi cho con, giúp con có thể ăn uống bình thường.

Tuy nhiên, khe hở môi của A vẫn còn khá rộng và sâu khiến cho con khó phát âm. Cô N cho biết: “Con đi học nói, cô và các bạn không hiểu được. Phần khe hở càng rộng ra khiến con xấu, các bạn nhìn thấy sợ”.

“Mẹ ơi! Sao con xấu thế, bạn sợ không dám chơi cùng” - Ảnh 1.

Cô N đang chăm A tại bệnh viện (ảnh: Ngọc Minh)

Khi con 9 tuổi, cô N đưa A ra Hà Nội mổ lần hai để đóng phần vòm bị hở. “Sau cuộc mổ này, con bớt xấu hơn, khi nói chuyện cô và các bạn có thể hiểu được”, cô N nói.

Nhìn A mỗi ngày một lớn lên, nỗi lo trong lòng cô N cũng ngày một lớn. Vì càng lớn sự tự ti trong con sẽ càng lớn hơn, do môi trên của A để lại sẹo xấu co rút, khuôn mặt mất cân đối.

Khi biết tin bệnh viện E có mổ tạo hình nhân đạo, cô N đã đăng ký cho con, may mắn sau 2 ca phẫu thuật A đã có một diện mạo mới. Cô N bật khóc nói: “Nhìn con xinh hơn rồi!”.

Cô gái trẻ 19 tuổi tiếp lời mẹ: “19 năm qua em đã luôn sống trong ‘bóng ma’, đi tới đâu ai cũng chỉ trỏ chê em xấu. Giờ thì em đẹp hơn rồi, em vui lắm, thế là em có thể lấy được chồng. Sẽ không còn ai nói em xấu nữa”.

A tiết lộ rằng cô đã có bạn trai, sau ca mổ này cô sẽ làm lại răng và có thể tự tin sống một cuộc đời hoàn mỹ hơn.

Ca mổ khó, bác sĩ tính toán phương án tối ưu

Theo Ths. BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ và hàm mặt bệnh viện E, các ca mổ sửa chữa lại khe hở môi thường khó khăn do sẹo co rút hoặc biến dạng về mặt giải phẫu, trường hợp của bệnh nhân A là khe hở môi hai bên (loại khe hở rất rộng nằm ngay giữa nhân trung nên bệnh nhân bị thiếu toàn bộ nhân trung của môi trên) hơn nữa bệnh nhân đã được mổ hai lần làm cho phần môi trên bị sẹo co kéo, không có nhân trung và môi đỏ vùng giữa môi gây mất thẩm mỹ nặng nề.

Bác sĩ Minh chia sẻ: “Khi tiếp nhận khám cho A chúng tôi đã xác định đây là một trường hợp khó vì sẹo sâu và rộng, nếu áp dụng các phương pháp thông thường sẽ không hiệu quả. Rất may mắn môi trên co rút nhưng môi dưới bình thường nên chúng tôi tính tới phương án lấy vạt vùng môi dưới ghép cho môi trên”.

Êkip đã lấy vạt môi dưới (môi đỏ và môi trắng) ghép cho môi trên và tạo lại nhân trung cho bệnh nhân. Vạt môi dưới sẽ có có cuống nuôi là động mạch vòng môi, sau 3 tuần sẽ được cắt cuống. Do vậy bệnh nhân phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật: Tạo hình môi trên, nhân trung và cuộc mổ thứ 2 là cắt vạt nuôi dưỡng môi trên.

Sau gần 1 tháng, bệnh nhân A đã thực hiện thành công cả 2 ca mổ, kết quả rất ngạc nhiên. Hai môi của bệnh nhân rất cân đối, sẹo đã mất đi thay bằng nhân trung đẹp (sinh lý) có phần hồng trắng, viền môi rõ ràng.

“Sau cắt vạt mở băng ra tôi thấy rất ngạc nhiên không nhận ra bệnh nhân. Vì lúc bệnh nhân tới gầy gò chỉ có 30kg, giao tiếp chậm phải có người đi theo phiên dịch giúp. Sau ca mổ bệnh nhân hoạt bát, nói chuyện nhiều hơn, khuôn mặt cân đối, ưa nhìn hơn so với lúc đến. Tôi rất ấn tượng với bệnh nhân A, đây là một cô bé có một khát khao làm đẹp. Bệnh nhân đã có một diện mạo mới, A sẽ có một cuộc đời tươi đẹp hơn phía trước”, bác sĩ Minh chia sẻ.

20 năm gắn bó với chương trình mổ nhân đạo tạo hình thẩm mỹ, bác sĩ Minh có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Bệnh nhân A cũng là một trong những bệnh nhân để lại cho bác sĩ nhiều cảm xúc, hạnh phúc và thấy công việc của mình trở lên ý nghĩa hơn.

Hiện, bệnh viện đang có chương trình phối hợp với Operation Smile Việt Nam mổ nhân đạo cho trẻ có dị tật bàn tay, đầu mặt cổ, khe hở môi vòng, khe hở mặt, sẹo bỏng, sụp mi… Khoảng từ 1-2 tháng bệnh viện sẽ có một đợt mổ nhân đạo, mỗi một đợt mổ cho 40 -50 trẻ có dị tật.