Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Quy trình thu hồi trăm nghìn tỷ đồng vụ Vạn Thịnh Phát

Bộ Tư pháp trả lời về trình tự thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng mà toà sơ thẩm buộc các bị cáo vụ Vạn Thịnh Phát phải bồi thường.

Ngày 12/4, tại họp báo Bộ Tư pháp, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự thông tin về việc thu hồi tài sản trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự, ngay trong giai đoạn cơ quan điều tra truy tố, những tài sản, vật chứng chuyển giao cho cơ quan thi hành án, đơn vị đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự kiểm tra, rà soát các thủ tục pháp lý đối với toàn bộ tài sản, vật chứng đó để đảm bảo việc thi hành án về sau.

"Về trình tự thủ tục, do vụ án Vạn Thịnh Phát mới tuyên ngày hôm qua, án sơ thẩm chưa có hiệu lực thi hành. Nếu phần tuyên về bồi thường thiệt hại mà không có kháng cáo, kháng nghị mới được thi hành, hoặc có kháng cáo, kháng nghị mà toà xét xử phúc thẩm có quyết định thì cơ quan thi hành án sẽ thực hiện sẽ tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật", đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho hay.

Quy trình thu hồi trăm nghìn tỷ đồng vụ Vạn Thịnh Phát- Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình.

Theo đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự, Vạn Thịnh Phát là vụ việc rất lớn.

Tổng cục Thi hành án dân sự chủ động chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương là Cục thi hành án TP.HCM xây dựng xây dựng kế hoạch chi tiết bố trí nguồn lực, cán bộ hướng dẫn để nộp đơn yêu cầu thi hành án. Ngay khi bản án có hiệu lực, đơn vị sẽ tổ chức thi hành án.

Đối với thi hành án với trái phiếu, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết cũng theo trình tự khi nào bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án sẽ tổ chức thi hành theo đúng trình tự thủ tục.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc thu hồi các tài sản bị tuồn ra nước ngoài, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, việc kê biên tài sản được thực hiện trong giai đoạn tố tụng, Bộ Tư pháp tích cực phối hợp với các cơ quan, để thực hiện nhiệm vụ sau khi bản án có hiệu lực.

Việc thu hồi tài sản bị tuồn ra nước ngoài thực hiện qua kênh hỗ trợ tư pháp, do đó thực hiện theo các hiệp định hỗ trợ tư pháp hoặc trên cơ sở “có đi có lại giữa các nước”.

Ngày 11/4, TAND TP.HCM đưa ra phán quyết đối với 86 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ, 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt chung là tử hình.

Bà Lan còn phải khắc phục, bồi thường cho SCB là 673.849 tỷ đồng.