Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Tp.HCM: 2 học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm

Ngày 7/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 thông tin về tình hình sức khỏe 2 bệnh nhi nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm.

Theo đó ngày 4/5, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (thành phố Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận điều trị nội trú 2 trường hợp trẻ có triệu chứng đường tiêu hóa. Người nhà cho biết, các bạn trong lớp cũng có triệu chứng tương tự sau bữa ăn trưa.

Nghi ngộ độc thực phẩm

Nhận thấy có khả năng liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã có báo đến Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện, Khoa Tiêu hóa của bệnh viện hiện đang điều trị 2 trường hợp trẻ nghi ngờ ngộ độc nói trên.

Trường hợp  thứ nhất là bệnh nhi nam (sinh năm 2015, ngụ tại quận 4, thành phố Hồ Chí Minh). Các bác sĩ chẩn đoán lúc nhập viện: Nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn không mất nước, viêm họng cấp, theo dõi ngộ độc thực phẩm.

Bệnh sử bé đang điều trị ngoại trú với chẩn đoán viêm họng cấp, uống Augmentin. Ngày 3/5, ghi nhận bé sốt cao, ói 8 lần, tiêu lỏng, không đau bụng, người nhà khai trong trường có 6 bé cũng bị sốt, ói sau ăn trưa cùng ngày với mỳ Ý sốt cà ở trường (học bán trú). Bé nhập bệnh viện Nhi đồng 2 lúc 13h50 ngày 4/5.

Diễn tiến sau nhập viện: bé tỉnh, không sốt, không ói thêm, tiêu lỏng 10 lần, phân vàng nước lợn cợn, không nhầy máu, CRP tăng nhẹ 49.5 mg/L, siêu âm các quai ruột nhiều dịch, tăng nhu động, soi phân đại thể không bất thường, điều trị với kháng sinh Ciprofloxacin uống, ORS bù nước.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi nữ (sinh năm 2013, ngụ tại thành phố Thủ Đức). Câc bác sĩ chẩn đoán lúc nhập viện: bệnh nhi ói cấp, theo dõi viêm dạ dày ruột, theo dõi ngộ độc thực phẩm.

Bệnh nhi có bệnh sử như sau: khoảng tối ngày 3/5, bé đau bụng quanh rốn, ói ra thức ăn cũ từ trưa 3 lần, không sốt, không tiêu lỏng, người nhà khai có ăn trưa cùng ngày với mỳ Ý sốt cà ở trường (học bán trú).

Ngày 4/5, trẻ ói ra thức ăn và dịch xanh 5 lần, chưa đi tiêu và nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 lúc 17h ngày 4/5.

Sức khỏe - Tp.HCM: 2 học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm

Bệnh viện điều trị một trường hợp ngộ độc thực phẩm (Ảnh minh họa, BVCC).

Diễn tiến sau nhập viện: bệnh nhi tỉnh, không sốt, không ói, không đau bụng thêm, không dấu hiệu mất nước, xét nghiệm có CRP tăng nhẹ 53.3 mg/L, siêu âm các quai ruột nhiều dịch và hơi, xét nghiệm bệnh phẩm tìm tác nhân chưa có kết quả, điều trị với kháng sinh Ciprofloxacin uống, ORS bù nước.

Tiếp tục điều tra tìm nguyên nhân

2 trường hợp này xét nghiệm bệnh phẩm kết quả không có tác nhân gây bệnh. Hiện tại, bệnh viện không ghi nhận thêm các ca bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan đến các trường hợp trên.

Ngày 6/5, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) đang tiếp tục điều tra, thu thập thêm thông tin liên quan đến các vụ nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm tại 2 trường tiểu học là Trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4) và Trường tiểu học Linh Chiểu (thành phố Thủ Đức), là hai nơi được xác định có ca nghi ngộ độc thực phẩm.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trẻ bị ngộ độc thực phẩm là khi ăn, uống nhầm thực phẩm bị nhiễm trùng (vi trùng, virus, nấm, ký sinh trùng…) hoặc tồn dư hóa chất. Các vi trùng gây bệnh trực tiếp hoặc sinh các loại độc tố gây hại cơ thể.

Sức khỏe - Tp.HCM: 2 học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm (Hình 2).

Các bác sĩ bệnh viện trao đổi về ca ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: BVCC).

Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm đa dạng, thường gặp nhất là các triệu chứng tiêu hóa như: nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt… hoặc các cơ quan khác như gan, thận, thần kinh, tim mạch… Tùy theo loại ngộ độc mà biểu hiện bệnh có thể xuất hiện ngay sau ăn hoặc sau vài giờ đến 1-2 ngày.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thực phẩm gồm: Nếu trẻ chỉ nôn ói, tiêu lỏng 1-2 lần, không có dấu hiệu khác, bé vẫn tiếp tục sinh hoạt, ăn uống bình thường thì phụ huynh có thể tự theo dõi, chia nhỏ bữa ăn, uống thêm nước, không tự ý dùng các chất gây nôn.

Nếu trẻ nôn ói nhiều, không ăn uống được, phân có máu, hoặc có các dấu hiệu khác như: sốt cao khó hạ, co giật, li bì, mệt thì phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để kịp thời thăm khám.

Nguyễn Lành