Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Vụ 6 tấn vàng lậu: 3 kiện hàng "bí mật" toàn vàng khối qua cửa VIP sân bay như thế nào?

Mỗi lần mang vàng từ TPHCM ra Hà Nội, Trung đều đi qua cửa VIP kiểm soát an ninh của sân bay.

3 kiện hàng toàn vàng khối qua cửa an ninh sân bay thế nào?

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Minh Phụng (sinh năm 1981, quê Bình Định), Nguyễn Thị Kim Phượng (sinh năm 1985, quê Tây Ninh) và 22 bị can khác về tội "Buôn lậu". Phụng và Phượng được xác định là đối tượng cầm đầu 2 đường dây buôn lậu 6.150kg vàng 9999 từ Campuchia về Việt Nam.

Số vàng lậu được tiêu thụ tại Tây Ninh, TPHCM, thậm chí còn "lên máy bay" ra Hà Nội.

Đặc biệt, trong cáo trạng có nêu trong vụ án cơ quan tố tụng xác định nhóm đối tượng "cấu kết" cùng tiếp viên hàng không mang vàng nguyên khối từ Tân Sân Nhất ra Hà Nội. Cán bộ an ninh sân bay Tân Sơn Nhất từng phát hiện "vật phẩm kim loại hình khối" nhưng không báo cáo, xử lý.

Cụ thể, trong số 24 bị can có Đặng Nam Trung (51 tuổi) thường xuyên đi lại giữa Hà Nội và TP.HCM để giao tiền, nhận vàng mang ra Hà Nội theo phân công của chị gái là bị can Đặng Thị Thanh Hằng (64 tuổi, chủ tiệm vàng Phúc Hằng ở Hà Nội, TP HCM).

Vụ buôn lậu 6 tấn vàng: Bị can xách vàng qua cửa VIP, nhân viên thấy

Bị can Đặng Thanh Hằng - chủ tiệm vàng Phúc Hằng bị truy nã - Ảnh: CACC

Vnexpress dẫn theo cáo trạng cho biết, Hằng lập nhóm chat trên Telegram mang tên Quỹ Sài Gòn để điều hành việc mua bán vàng lậu với Phụng. Sau khi thỏa thuận mua vàng, Hằng sẽ giao cho Trung mang ngoại tệ có bọc nilon đen bên ngoài để đưa vào TP HCM thanh toán.

Khi làm thủ tục lên máy bay, do có quen biết với nhiều nhân viên an ninh sân bay Tân Sơn Nhất, Trung thường đi thẳng qua cửa VIP kiểm soát an ninh.

Lúc mang vàng ra Hà Nội, Trung đều nhờ người làm thủ tục lên máy bay trước. Trường hợp khi Trung không trực tiếp mang vàng ra mà giao cho người có tên là Trịnh Việt Châu (con rể cũ của Hằng) hoặc gửi tiếp viên hàng không Vietnam Airlines thì Trung đều nhờ trước nhân viên an ninh trực để các đối tượng này mang vàng qua cửa an ninh nhanh chóng, thuận tiện nhất.

Vietnamnet dẫn cáo trạng cho hay, qua rà soát kết quả soi chiếu an ninh sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ xác định được chuyến bay VN204 ngày 28/9/2022, Đặng Nam Trung bay từ TP.HCM ra Hà Nội có mang theo vàng nguyên khối.

Trong ca trực có chỉ huy Đội an ninh soi chiếu quốc nội, Ca trưởng Đội An ninh soi chiếu quốc nội và các nhân viên kiểm tra hành khách, nhân viên kiểm tra giấy tờ tùy thân, nhân viên giám sát màn hình máy soi chiếu hành lý xách tay, nhân viên kiểm tra trực quan tại máy soi chiếu hành lý xách tay.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ soi chiếu, nhân viên sân bay có quan sát màn hình và thấy có "vật phẩm kim loại dạng hình khối" nhưng không có vật phẩm nguy hiểm thuộc hàng cấm mang lên máy bay. Do vậy, nhân viên an ninh đã không thực hiện việc kiểm tra trực quan hành lý mà giải quyết cho hành khách Đặng Nam Trung hoàn tất kiểm tra an ninh cũng như không báo cáo cán bộ trực khi trong 3 kiện hàng của Trung có rất nhiều "vật phẩm kim loại".

Vụ buôn lậu 6 tấn vàng: Bị can xách vàng qua cửa VIP, nhân viên thấy

Số tang vật trong vụ buôn lậu vàng mà cơ quan điều tra thu giữ - Ảnh: Hải Quan Online

Trong trường hợp Trung và các nhân viên tiệm vàng không trực tiếp đi được, nhóm này gửi tiếp viên hàng không Vietnnam Airlines nhờ mang vào. Khi đó, Nguyễn Duy Đức (34 tuổi, nhân viên của Hằng ở TP HCM) sẽ theo dõi chuyến bay hạ cánh, chủ động gọi cho tiếp viên để nhận tiền tại sân bay hoặc trước cổng trụ sở Đoàn tiếp viên.

Sau đó, Đức mang tiền về tiệm vàng Hát Giang ở phường 2, quận Tân Bình (gần sân bay Tân Sơn Nhất) kiểm đếm, nhắn vào nhóm Quỹ Sài Gòn báo cho Phụng là đã có đồ (ngoại tệ) để "bà trùm" giao vàng lậu đến tận nơi.

Tuy nhiên, theo cơ quan tố tụng, đây không phải vật phẩm nguy hiểm bị cấm mang lên máy bay theo quy định của hàng không nên không có căn cứ xử lý các cá nhân liên quan.

Theo quy định hiện nay của hàng không, các hãng hàng không cho phép hành khách mang vàng trang sức lên máy bay và không hạn chế vàng miếng khi đi máy bay nội địa.

Ở Điều 2 Thông tư 11/2014/TT-NHNN về mang vàng khi xuất, nhập cảnh bằng hộ chiếu cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300g trở lên phải khai báo với cơ quan hải quan và không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu.

Một chủ tiệm vàng mua hơn 1,6 tấn vàng lậu

Trong số các bị can thuộc đường dây buôn lậu vàng có nhiều người là chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành khác.

Cáo trạng cũng nêu rõ, khách hàng lớn nhất của Phụng là chủ tiệm vàng Đặng Thị Thanh Hằng (đang bị truy nã), Huỳnh Minh Khánh (tiệm vàng Khánh Kim Loan, quận 6), Nguyễn Thị Minh (tiệm vàng Kim Hiền Bình Minh) và một số cửa hàng mua lẻ khác.

Viện kiểm sát xác định, Đặng Thị Thanh Hằng có cửa hàng vàng ở cả TP.HCM và Hà Nội. Bị can này từng mua 294 kg vàng của Phụng với tổng trị giá gần 400 tỷ đồng. Số vàng này Hằng đã bán lại 50 kg có giá trị hơn 72 tỷ đồng, số còn lại để em ruột là bị can Đặng Nam Trung cùng Trịnh Việt Châu mang ra Hà Nội.

Sau khi bị phát hiện và truy tố, bị can Hằng đã bỏ trốn ra nước ngoài, bị Bộ Công an phát lệnh truy nã.

Vụ buôn lậu 6 tấn vàng: Bị can xách vàng qua cửa VIP, nhân viên thấy

Tang vật bắt quả tang trong đường dây buôn lậu hơn 6 tấn vàng. Ảnh: CQCA cung cấp

Trong vụ án có bị can Huỳnh Minh Khánh, chủ tiệm vàng Khánh Kim Loan không được phép kinh doanh vàng miếng, vàng thỏi, vàng nguyên liệu. Nhưng để có nguồn vàng thỏi 9999 bán cho khách hàng với giá rẻ hơn trong nước, Khánh đã thỏa thuận mua vàng lậu của bà trùm Nguyễn Thị Minh Phụng.

Báo Lao động dẫn theo kết quả điều tra, trong năm 2022, Khánh đã mua tổng số vàng 1.661kg vàng, giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Cụ thể, Khánh đã mua của Phụng 560 kg vàng lậu, có trị giá hơn 761 tỷ đồng và của bị can Nguyễn Thị Thúy Hằng 1.100 kg vàng thỏi, trị giá hơn 1.289 tỷ đồng.

Bị can thừa nhận hành vi và tự nguyện khắc phục 100 triệu đồng.

Chia sẻ về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết trên báo Pháp luật & Xã hội, theo quy định, người nào buôn bán qua biên giới trái pháp luật hàng hóa, tiền tệ, ngoại tệ, kim khí quý trị giá từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị phạt hành chính, đã bị kết án về một trong các tội danh được liệt kê tại điều luật này về kinh tế mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 188, Bộ luật hình sự năm 2015 về tội "Buôn lậu".

Với tội danh này, các đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Bên cạnh đó, các đối tượng còn có thể bị phạt tiền và bị tịch thu tài sản. Đây là hình phạt bổ sung của tội "Buôn lậu" và cũng là biện pháp mạnh mẽ để xử lý đối với hành vi vi phạm về kinh tế. Ngoài ra, CQĐT sẽ làm rõ hành vi vai trò của pháp nhân thương mại đối với việc buôn lậu để xem xét xử lý hình sự theo khoản 6 Điều 188, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nếu pháp nhân thương mại phạm tội, có thể bị phạt tiền tới 15 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, các đối tượng, doanh nghiệp trong vụ án này còn có thể bị xử lý thêm về tội "Trốn thuế" quy định tại khoản 3 Điều 200, Bộ luật Hình sự năm 2015.