Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Cách Honda ứng biến trước ‘con sóng’ xe điện: Bắt tay khắp nơi nhưng vẫn giữ 1 ‘nguyên tắc vàng’

Nguyên tắc đó là tin tưởng những “đồng hương” của mình.

Một báo cáo mới đây cho thấy Honda và Nissan đang cân nhắc việc thành lập một liên doanh trong bối cảnh nhận hàng loạt áp lực từ các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc.

Nissan, một trong những hãng đầu tiên tiếp cận với xe điện, có thể sẽ thành lập liên doanh cùng Honda để cắt giảm chi phí sản xuất xe điện, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các nhà sản xuất Trung Quốc đang cho ra mắt ngày càng nhanh và nhiều các mẫu xe giá rẻ nhờ tận dụng lợi thế linh kiện và nguyên liệu trong nước.

Đây không phải lần đầu Honda có ý định hợp tác với một ông lớn ô tô khác trong việc sản xuất xe điện. Hồi tháng 4/2022, Honda và GM công bố sẽ cùng hợp tác sản xuất một mẫu xe điện giá rẻ dựa trên công nghệ pin Ultium của GM. Tuy nhiên đến năm ngoái, thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD này đã bị dừng lại do 2 bên không đi đến thống nhất.

Trong khi đó, liên doanh giữa Honda và Sony lại đang đi đúng hướng. Ô tô điện mang thương hiệu Afeela của liên doanh này có thể ra mắt vào năm 2026, được coi là một chiếc “smartphone 4 bánh”.

Như vậy, 2 trong số 3 liên doanh mà Honda thành lập nhằm đánh chiếm thị trường ô tô điện đều có liên quan đến các nhà sản xuất “đồng hương”. Với Sony, Honda muốn dựa vào thế mạnh về mảng công nghệ, các giải pháp thông minh và hệ thống thông tin giải trí của hãng này – vốn là phần cực kỳ quan trọng trong sản xuất xe điện.

Cách Honda ứng biến trước ‘con sóng’ xe điện: Bắt tay khắp nơi nhưng vẫn giữ 1 ‘nguyên tắc vàng’- Ảnh 1.

Mẫu xe điện Afeela do liên doanh Honda Sony phát triển.

Trong khi đó, Nissan lại là một trong những hãng đầu tiên tiếp cận đến xe điện với mẫu Leaf. Tuy nhiên, Nissan Leaf cho đến nay không mấy thành công khiến thương hiệu Nhật bị bỏ lại khá xa trong cuộc chơi này. Tại Mỹ, Nissan chỉ có thêm một mẫu xe điện chạy pin khác là chiếc crossover mang tên Ariya.

Theo Nikkei, mục tiêu của cả 2 là cắt giảm chi phí phát triển, tạo ra một nền tảng dùng chung cho cả 2 công ty. Nếu khả quan, việc dùng chung pin, thậm chí ra mắt các mẫu xe thuộc liên doanh này cũng được tính đến.

Các nhà sản xuất Nhật Bản hiện bị xem chậm chân trong lĩnh vực xe điện so với Trung Quốc – cũng là quốc gia vừa vượt Nhật Bản để trở thành thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.

Mặc dù vậy, các nhà sản xuất Nhật Bản được cho không thay đổi cách tiếp cận thận trọng của mình. Họ tin rằng thị trường xe điện sẽ không phát triển quá bùng nổ như kỳ vọng của nhiều ông lớn ngành xe hiện nay. Thực tế, một số công ty cũng đã phải điều chỉnh kế hoạch phát triển xe điện sau khi doanh số có phần chậm lại trong năm 2023.