Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Có lộ trình xử lý bất cập, vướng mắc trong hệ thống pháp luật

Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tại Kỳ họp thứ 7.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mới chủ trì cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 về xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Cuộc họp nhằm đánh giá tiến độ rà soát và giải pháp khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập trong các văn bản dưới luật cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan theo yêu cầu của Nghị quyết 110.

Kết quả rà soát đang được Bộ Tư pháp, cơ quan thường trực của Tổ công tác, tổng hợp, xây dựng thành Báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Quá trình xem xét, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 có sự phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hoàng Oanh cho hay, đến nay, Bộ Tư pháp đã tổng hợp, phân loại theo nhóm lĩnh vực pháp luật để xây dựng hệ thống 19 phụ lục của Báo cáo theo các lĩnh vực quản lý nhà nước được kiến nghị xử lý

Dự thảo Báo cáo cho thấy, có 109 nội dung quy định có mâu thuẫn, chồng chéo tại 19 luật với 44 nội dung; tại 26 nghị định với 50 nội dung và trong 13 Thông tư với 15 nội dung.

Có 185 nội dung quy định bất cập, mâu thuẫn tại 24 luật với 72 nội dung, 1 pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 1 nội dung, 1 nghị quyết của Chính phủ với 2 nội dung, 22 nghị định của Chính phủ với 72 nội dung, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ với 1 nội dung và 30 Thông tư với 37 nội dung.

Chính sách - Có lộ trình xử lý bất cập, vướng mắc trong hệ thống pháp luật

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kết luận cuộc họp (Ảnh: VGP).

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác, ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành trong việc rà soát một khối lượng lớn các văn bản, trên cơ sở đó đề xuất phương án xử lý những nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gửi báo cáo kết quả rà soát của bộ, ngành mình về Bộ Tư pháp, cơ quan thường trực của Tổ công tác, chậm nhất vào giữa tuần tới để Bộ Tư pháp tổng hợp đầy đủ vào Báo cáo của Chính phủ.

Phó Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc các bộ, ngành phải chỉ rõ bất cập, vướng mắc ở điều nào, khoản nào của văn bản nào, đồng thời chỉ rõ hướng xử lý và lộ trình xử lý đối với từng bất cập, vướng mắc.

"Các bộ, ngành phải xác định rõ khi nào trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung những nội dung thuộc thẩm của Chính phủ, khi nào trình Chính phủ báo cáo Quốc hội những nội dung liên quan đến luật", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải ưu tiên xử lý những nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc trong 3 dự thảo luật sẽ được xem xét thông qua, cho ý kiến trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào tháng 5/2024, gồm Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Địa chất và Khoảng sản.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành chuẩn bị chu đáo để giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan của Quốc hội về những nội dung được phân công rà soát của bộ, ngành mình.

Dự kiến, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo để bảo đảm Báo cáo có chất lượng cao nhất khi trình Quốc hội.