Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Nhập viện khẩn cấp vì uống loại thuốc giảm cân "người quen giới thiệu"

Nhiều người đã phải nhập viện do ngộ độc, suy gan thận, suy tim sau khi sử dụng các loại thuốc giảm cân. Bác sĩ khuyến cáo người tiêu dùng không nên nhẹ dạ cả tin.

Giảm cân thần tốc

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã cứu sống bệnh nhân ngộ độc cấp, suy đa tạng do uống thuốc giảm cân. Theo lời kể của bệnh nhân, người này mua cà phê giảm cân từ giới thiệu của người quen với mong muốn giảm cân.

Đời sống - Nhập viện khẩn cấp vì uống loại thuốc giảm cân 'người quen giới thiệu'

Uống thuốc giảm cân cô gái có nguy cơ hỏng thận vĩnh viễn. (Ảnh minh họa)

Đến ngày thứ tư sau khi uống, chị bắt đầu rơi vào trạng thái bất tỉnh, co giật toàn thân, được đưa vào viện cấp cứu. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy não của bệnh nhân đã bắt đầu bị tổn thương. May mắn chị đã được hỗ trợ hô hấp kịp thời nên tình trạng đã dần cải thiện.

Đáng nói, gói cà phê giảm cân còn lại của bệnh nhân đã được gửi tới Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm, kết quả cho thấy có chứa sibutramine - chất này đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng.

Tại Bệnh viện Bình Dân (Tp.HCM) thời gian qua cũng tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân bị suy thận do dùng viên giảm cân không rõ nguồn gốc, không ít trường hợp có tổn thương thận không hồi phục, phải theo dõi và lọc máu.

Còn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp nhập viện do sử dụng các dịch vụ giảm cân, giảm béo. Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho hay đa số các bệnh nhân đến viện khi đã có các biến chứng đi kèm.

"Đáng nói, có những bệnh nhân giảm cân rất nhanh, giảm từ 10 - 20kg trong vòng 1-2 tuần. Tuy nhiên, bệnh nhân phải trả giá đắt. Bởi các loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc có thể gây ra tình trạng mất nước cấp tính, suy thận cấp, rối loạn chuyển hóa rất nặng nề, suy tim, nhiễm độc gan cấp, thậm chí là tử vong", bác sĩ Linh nói.

Hay như trường hợp của bé gái H.T (3 tuổi, ở Hà Nam) phải nhập viện cấp cứu do ăn nhầm thuốc giảm cân của chị gái.

Bác sĩ CKII Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trước khi vào viện, trẻ ăn nhầm 7/14 viên thuốc giảm cân được chị gái mua ở trên mạng về và chưa kịp uống.

Sau ăn, trẻ nôn nhiều, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, gia đình phát hiện cho trẻ vào bệnh viện tỉnh cấp cứu và chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Khi tiếp nhận bệnh nhi, bác sĩ sử dụng các biện pháp để hạn chế hấp thu chất độc như rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính, nhuận tràng kết hợp bồi phụ nước điện giải.

"Loại thuốc giảm cân mà bệnh nhi ăn nhầm được chị gái mua về sử dụng không rõ thành phần, nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ" , bác sĩ Hùng nói và cho biết những loại thuốc này được bán trôi nổi trên các trang mạng, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cũng từng tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân (38 tuổi) bị ngộ độc sau một tuần uống thuốc giảm cân mua trên mạng.

Sau uống thuốc giảm cân, chị này có biểu hiện ăn ngủ ít, mệt mỏi, tức ngực, nói nhảm. Qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán ngộ độc cấp, suy thận, loạn nhịp tim, nghi do thuốc giảm cân.

Các bác sĩ hồi sức tích cực xác định tình trạng ngộ độc rất nguy kịch, tim loạn nhịp nặng, biểu hiện suy thận, hạ kali máu nặng. Bệnh nhân được chuyển tuyến để tiếp tục điều trị.

Thuốc giảm cân, cần giảm cân lành mạnh

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc giảm cân được quảng bá rằng gầy nhanh mà không cần tốn nhiều công sức để tập luyện. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát thông báo cảnh báo nhiều sản phẩm giảm cân trên thị trường chứa chất cấm để "phát huy công dụng".

Theo đó, hai chất cấm sibutramine và phenolphthalein thường được dùng trong nhiều loại thuốc giảm cân để giảm cảm giác thèm ăn. Chất này đã bị Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cấm sử dụng từ năm 2011 vì những tác dụng nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.

Theo các chuyên gia, một số cơ chế thuốc giảm cân hay dùng thường có chức năng làm chuyển hóa chất béo trong cơ thể; thuốc tạo cảm giác no, gây chán ăn; thuốc gây mất nước... Một số loại thuốc giảm cân khiến người dùng có cảm giác đầy bụng, không muốn ăn uống, giảm hấp thụ chất béo để nhanh sụt cân.

Bác sĩ Lê Thị Đan Thùy, Trưởng Khoa Lọc máu - nội thận Bệnh viện Bình Dân, cho rằng nhiều sản phẩm giảm cân được quảng bá tràn lan trên mạng xã hội được nhiều người mua dùng vì với những quảng cáo kiểu như giảm cân nhanh, giữ cân ổn định và an toàn với chiết xuất thảo dược.

Đặc điểm chung của các sản phẩm này là làm lợi tiểu gây mất nước, làm sụt cân nhanh để đánh đúng tâm lý muốn giảm cân thần tốc của nhiều người. Một số loại sản phẩm làm tăng nguy cơ tai biến, huyết áp và đặc biệt nguy hiểm là có độc tính làm phá hủy cầu thận không thể phục hồi.

Cẩn trọng với thuốc hỗ trợ giảm cân

Theo PGS Nguyễn Anh Tuấn - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa Bệnh viện 108 - dựa theo cơ chế tác dụng, thuốc giảm cân được chia thành 4 nhóm: thuốc tác động lên quá trình hấp thu chất béo trong đường tiêu hóa, các đồng vận thụ thể GLP-1, các thuốc phối hợp (nhiều hoạt chất), các thuốc cường giao cảm (Sympathomimetic).

"Mặc dù có tác dụng trong việc giảm cân, tuy nhiên những loại thuốc này cũng có tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, rối loạn hấp thu vitamin tan trong dầu, tổn thương thận, viêm tụy, bệnh túi mật, suy thận, tăng nhịp tim và tăng huyết áp… Các loại thuốc giảm cân này phải được bác sĩ chỉ định kèm theo thay đổi lối sống.

Đặc biệt, hiện nay với các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân tràn lan trên mạng, không rõ nguồn gốc xuất xứ rất dễ chứa chất cấm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vì vậy, người thừa cân béo phì nên được sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa trong việc sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng giảm cân tránh để ảnh hưởng đến sức khỏe", bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Quỳnh Chi (t/h)