Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Từ vụ ông Dương Văn Thái: Quy trình bắt giữ người nghi phạm tội là đại biểu Quốc hội

Theo quy định, việc khởi tố, bắt tạm giam đại biểu Quốc hội phải có đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và được sự đồng ý của Quốc hội hoặc sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV theo quy định của pháp luật.

Từ vụ ông Dương Văn Thái: Quy trình bắt giữ người nghi phạm tội là đại biểu Quốc hội- Ảnh 1.

Ông Dương Văn Thái. Ảnh IT

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can.

Ông Dương Văn Thái hiện là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang , Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang khóa XV.

Liên quan đến quy trình bắt người nghi phạm tội là đại biểu Quốc hội, Điều 81 Hiến pháp 2013 quy định, không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội, hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Luật tổ chức Quốc hội 2014 cũng quy định, không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Trường hợp đại biểu Quốc hội bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu công tác bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải nếu không được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý.


Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội quy định về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội:

1. Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.

2. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

3. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

Như vậy, việc bắt người nghi phạm tội là đại biểu Quốc hội phải có đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và được sự đồng ý của Quốc hội hoặc sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong thời gian Quốc hội không họp).

Việc thực hiện lệnh bắt thuộc về cơ quan điều tra phát hiện ra hành vi phạm tội của đại biểu Quốc hội và có thẩm quyền điều tra hành vi phạm tội đó.

Ông Dương Văn Thái là đại biểu Quốc hội khóa XV, nên việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Thái, phải được sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, phải có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Thái thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSND tối cao.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội 2014, trường hợp đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó.

Đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.

Trường hợp đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực.