Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Việt Nam – “thỏi nam châm” hút vốn FDI từ nhiều “ông lớn” công nghệ

Việt Nam ngày càng có vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thời gian gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào Việt Nam có chiều hướng tăng lên, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao với nhiều dự án trị giá hàng tỷ USD. Việt Nam đang trở thành cái tên gây chú ý với nhiều “ông lớn” công nghệ trên thế giới.

Từ chỗ chỉ thu hút được vài thương vụ đầu tư với tổng giá trị khoảng 10 triệu USD vào năm 2013, Việt Nam đã trở thành “thỏi nam châm” hút vốn FDI, với đỉnh cao là 165 thương vụ tổng giá trị lên tới 1,442 tỷ USD vào năm 2021.

Tuy nhiên, FDI rót vào Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại, nhất là trong 2 năm vừa qua khi bối cảnh kinh tế toàn cầu bấp bênh. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị các thương vụ đã giảm 13%, chỉ đạt 427 triệu USD. Xu hướng này thể hiện rõ hơn ở mức giảm mạnh 40% trong số lượng thương vụ, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018 với 56 giao dịch được ghi nhận.

Giám đốc điều hành của Do Ventures, Lê Hoàng Uyên Vy, cho biết: “Trong bối cảnh nhiều thách thức đối với cả nền kinh tế nội địa và toàn cầu hiện nay, việc gọi vốn ngày càng trở nên khó khăn khi các nhà đầu tư rất thận trọng với quyết định giải ngân. Khi đánh giá một công ty, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến bài toán đơn vị kinh tế thay vì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt với các công ty ở giai đoạn đầu”.

Nhận xét về dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong năm 2024, đại diện của Quỹ đầu tư AVV Nguyễn Ngọc Hương Thảo cho rằng, nước ta vẫn là một thị trường còn non trẻ, vì vậy tất cả các ngành đều mở ra nhiều cơ hội cho startup phát triển và thu hút vốn đầu tư.

Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 4,29 tỷ USD vốn FDI, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn FDI đăng ký mới có 405 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 55,2% về số dự án và gấp hơn 2 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, vốn FDI giải ngân trong 2 tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ 2023.

Kết quả này đã cho thấy, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên. Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư của cả khu vực và thế giới.

Công nghệ - Việt Nam – “thỏi nam châm” hút vốn FDI từ nhiều “ông lớn” công nghệ

Apple CEO Tim Cook thăm một trường học ở Việt Nam. Tim Cook cho biết trong một thông báo trên trang web tiếng Việt của Apple: “Không có nơi nào như Việt Nam, một đất nước sôi động và xinh đẹp”. Ảnh: Apple Insider

Ông Alex Levy, đại diện Atmo – một công ty cung cấp giải pháp AI nổi tiếng tại Mỹ cho biết, Atmo lựa chọn Việt Nam bởi doanh nghiệp muốn thành công trong kinh doanh, đồng thời mang lại giá trị lớn cho cộng đồng, xã hội.

“Chúng tôi không ưu tiên đầu tư vào quốc gia nào chỉ giúp doanh nghiệp kiếm tiền nhất, mà muốn chọn nơi có quy mô ban đầu nhỏ, nhưng có tiềm năng nhận rộng nó. Trong chưa đầy 24 giờ có mặt tại Việt Nam, nhưng tôi đã cảm nhận được năng lượng, tinh thần tích cực của hàng triệu người Việt, là động lực lớn cho chúng tôi. Atmo muốn mang lại giá trị cho Việt Nam càng sớm càng tốt”, ông Levy chia sẻ.

Đánh giá về tiềm năng hút vốn FDI của Việt Nam, ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), cho biết Việt Nam ngày càng có vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Osius, Việt Nam là đối tác thương mại lớn của Mỹ và Việt Nam có một nền kinh tế năng động. Dự báo trong thời gian tới sẽ có thêm dòng vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam. Dòng vốn FDI hiện tại không chỉ được thể hiện như các con số thống kê mà trên thực tế có nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam thông qua các nước khác như trường hợp Coca-Cola đầu tư vào Việt Nam từ công ty đặt tại Singapore...

Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC) Lê Hữu Quang Huy chia sẻ, FDI đầu tư vào Việt Nam cũng xuất hiện xu thế mới, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch và đi vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn.

Tiêu biểu là hàng loạt các dự án FDI chất lượng cao như: sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip đã tới đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn Amkor đầu tư 1,6 tỷ USD vào Khu công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn. Đây cũng là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Amkor, đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10 năm ngoái.

Trước đó, Hana Micron Vina, một doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác, cũng chính thức khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Công ty Hana Micron Vina tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang).

Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc. Lãnh đạo Hana Micron Vina cho biết đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên trên 1 tỷ USD, doanh thu hàng năm dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo ra 4.000 việc làm cho người lao động Việt Nam.

Có thể thấy, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã và đang đạt được những kết quả tích cực. Để giữ chân được những tập đoàn công nghệ lớn, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, Việt Nam cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước, hạ tầng xã hội và đặc biệt là nhân lực nội địa chất lượng cao.

Minh Đức (Theo Kinh tế Đô thị, Hải Quan Online)